Chủ hôn là một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong đám cưới của người Việt. Đây là người chủ trì đám cưới, đại diện cho hai họ và chứng kiến các nghi lễ cưới hỏi cho cặp đôi. Hôm nay hãy cùng Forevermark tìm hiểu chủ hôn là gì, kinh nghiệm lựa chọn chủ hôn cùng những thắc mắc liên quan trong bài viết này.
Table of Contents
Chủ hôn là người chủ trì đám cưới và đại diện cho hai họ trong các nghi lễ cưới hỏi. Họ chứng kiến và chủ trì các nghi lễ để cặp đôi trở thành “vợ chồng” theo quan niệm truyền thống và một số tôn giáo. Tuy nhiên, việc chủ hôn tuyên bố hai người là “vợ chồng” trước mặt gia đình hai bên không phải là sự công nhận của luật pháp.
Vậy chủ hôn tiếng anh là gì? Theo Forevermark tìm hiểu, trong tiếng anh, chủ hôn được gọi làm “marriage host”. Theo một số nguồn còn có thể gọi là “wedding MC”, bởi có thể hiểu đơn giản chủ hôn là người dẫn dắt lễ cưới và từ này sẽ thông dụng hơn đối với những đám cưới của phương Tây.
Theo các tài liệu về trình tự tổ chức cưới hỏi của người Việt Nam, một cặp đôi cần trải qua ba nghi lễ chính để tiến tới hôn nhân: lễ dạm ngõ, lễ đính hôn và lễ cưới (hay còn gọi là lễ rước dâu). Trong cả ba buổi lễ này đều cần có sự tham gia của chủ hôn để đại diện cho hai họ phát biểu và hướng dẫn cặp đôi thực hiện các thủ tục cần thiết.
Sau khi tìm hiểu về khái niệm và những nghi lễ mà chủ hôn cần có mặt, chúng ta cũng cần biết được chủ hôn phải làm gì?
Chủ hôn có trách nhiệm đại diện cho dòng họ chào hỏi, phát biểu, giới thiệu thành phần tham dự và mục đích của buổi lễ, giới thiệu sính lễ cưới hỏi và điều phối các hoạt động trong buổi lễ.
Để làm tốt công việc này, chủ hôn cần gặp mặt và trao đổi trước với hai bên gia đình để tìm hiểu phong tục tập quán của mỗi bên, lên kịch bản chương trình và soạn lời phát biểu phù hợp.
Nếu có thể, gia đình nên chọn một người chủ hôn để làm việc từ đầu đến cuối, tức là tham gia cả ba buổi lễ Dạm Ngõ, Đính Hôn và Cưới, thay vì mỗi buổi lễ lại có một người chủ hôn khác nhau.
Thông thường sẽ có hai chủ hôn đám cưới, bao gồm chủ hôn nhà trai và chủ hôn nhà gái. Các vị này sẽ thay mặt cho hai họ phát biểu và tiếp lời nhau. Chủ hôn nhà trai có vai trò quan trọng hơn và chủ động mở lời trước, trong khi chủ hôn nhà gái sẽ đối đáp lại dựa trên lời nói của nhà trai để tạo nên không khí vui vẻ và thoải mái cho hai bên.
Bên cạnh vấn đề chủ hôn là gì, sau đây là những tiêu chí quan trọng để chọn được chủ hôn cho đám cưới của bạn.
Chủ hôn thường được chọn là một người đàn ông lớn tuổi, có địa vị trong gia đình và dòng tộc. Đây là những người được gọi là trưởng bối, có đức độ cao và được nhiều người kính trọng. Ở miền Bắc, vai trò này thường do trưởng tộc hoặc trưởng họ đảm nhiệm. Khi họ phát biểu, mọi người xung quanh đều lắng nghe và tôn trọng ý kiến của họ mà không có sự phân vân.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đảm nhiệm vai trò chủ hôn đám cưới. Ở miền Nam, việc chọn người đại diện có phần linh hoạt hơn. Chủ hôn có thể là ông nội, ông ngoại, anh em, bạn bè của chú rể hoặc là người có chức sắc trong tổ chức tôn giáo mà gia đình theo. Ngoài tuổi tác và địa vị, việc chọn chủ hôn còn dựa trên nhiều yếu tố khác.
Để làm chủ hôn đám cưới, người đó phải am hiểu truyền thống cưới hỏi và những nghi lễ được truyền lại qua nhiều đời. Biết cả lục lễ trong cưới hỏi càng tốt. Người xưa có câu “phép vua thua lệ làng”, cho nên mặc dù cùng là người Việt nhưng mỗi nơi lại có những thủ tục lễ cưới, lễ hỏi khác nhau. Vì vậy, chủ hôn cho đám cưới ở miền nào phải am hiểu phong tục của miền đó.
Nếu chủ hôn nhà trai đến từ nơi khác để điều phối lễ cưới, họ nên dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng văn hóa cưới hỏi ở địa phương và trao đổi trước với nhà gái để mọi việc diễn ra thuận lợi.
Nhiều chủ hôn nhà trai còn tinh ý nhận ra rằng chủ hôn nhà gái là người trọng lễ nghi và kỹ tính. Nếu không am hiểu phong tục bản xứ, họ sẽ khéo léo lựa lời nhờ đàng gái chủ trì buổi lễ. Cách làm chủ hôn nhà gái cũng nên áp dụng tương tự như vậy để buổi lễ được diễn ra vui vẻ, hoàn hảo.
Nói chuyện một cách dõng dạc và mạch lạc trước đám đông không phải là điều dễ dàng, đặc biệt khi đó là những nghi thức trang nghiêm và thiêng liêng như nghi lễ cưới hỏi.
Để đảm nhiệm vai trò chủ hôn, người đó phải có tài ngoại giao và khả năng ăn nói linh hoạt để xử lý tình huống một cách mềm mại. Nhờ vậy, họ có thể mang lại sự hài lòng cho tất cả mọi người tham dự qua những bài phát biểu đám cưới hay.
Khi tham dự buổi lễ, bà con hai bên gia đình mới chỉ nhìn thấy mặt và biết tên nhau mà chưa có điều kiện tìm hiểu và trò chuyện. Điều này khiến họ còn bỡ ngỡ và chỉ tập trung theo dõi nhiều trình tự nghi lễ và có thể làm cho bầu không khí nghiêm túc, đôi khi có chút căng thẳng.
Để giải tỏa sự xa cách giữa hai họ, người chủ hôn cần có khiếu hài hước và kể những câu chuyện vui để mang lại sự nhẹ nhàng và thoải mái. Tuy nhiên, vẫn phải giữ chừng mực và không nên làm quá lố.
Theo cách làm chủ hôn đám cưới, để dẫn dắt hai gia đình thực hiện nghi lễ một cách suôn sẻ và đúng trình tự, chủ hôn cần soạn thảo trước lời phát biểu và lên kịch bản chương trình sơ bộ. Sau đó, cần bàn bạc với phụ huynh hai bên để thống nhất.
Nếu lời phát biểu đám cưới do chính chủ hôn tự biên soạn thì đó sẽ là một lợi thế lớn. Qua quá trình soạn thảo, họ có thể thuộc lời và không cần cầm giấy khi phát biểu. Nếu không quen việc viết văn, họ có thể tham khảo một vài bài phát biểu mẫu và sửa lại cho phù hợp với cách nói của mình.
Lời phát biểu nên được chuẩn bị trước ít nhất 1-2 tuần trước ngày diễn ra các buổi nghi lễ. Việc tập phát biểu trước nhiều lần cũng sẽ giúp ích rất nhiều khi tổ chức nghi lễ cưới hỏi.
Theo tìm hiểu của Forevermark, hiện chưa có thông tin chính thức nào về hoa cài áo chủ hôn. Thông thường, vào ngày cưới chỉ có chú rể mới cài hoa, còn người chủ hôn chỉ cần chuẩn bị trang phục sao cho trang trọng, lịch sự và phù hợp với hôn lễ là được.
Bạn nên ưu tiên chọn chủ hôn là người trong gia đình. Nhờ mối quan hệ thân thiết, người trong nhà sẽ mang đến bầu không khí thoải mái và vui vẻ hơn.
Chỉ khi người thân không đáp ứng được các tiêu chí cần thiết của chủ hôn thì mới nên thuê người chủ hôn. Với sự chuyên nghiệp và am hiểu kiến thức cưới hỏi và các lễ nghi, người chuyên làm chủ hôn sẽ giúp điều phối chương trình một cách suôn sẻ nhất.
Nếu bạn sống ở thành phố, bạn và gia đình có thể thuê người làm chủ hôn thông qua các dịch vụ trang trí cưới hỏi hoặc tổ chức đám cưới trọn gói.
Nếu gia đình ở vùng ngoại ô hoặc nông thôn, bạn có thể thông qua bà con lối xóm để thuê hoặc nhờ người làm chủ hôn. Theo tìm hiểu của Forevermark, hầu như ở mọi địa phương đều có người chuyên đi nói chuyện trong đám cưới. Những người này thường là những người đàn ông có tuổi, sống đức độ hiền lành và có gia đình êm ấm. Họ vui vẻ chan hòa với làng xóm, có khả năng ngoại giao ăn nói và thông hiểu trình tự tổ chức lễ cưới tại địa phương.
Trung bình, ở vùng nông thôn, chi phí thuê chủ hôn từ 1-2 triệu là hợp lý. Tuy nhiên, ở thành thị, chi phí cao hơn nhiều lần và giao động trong khoảng từ 4-8 triệu, tùy thuộc vào tuổi đời và kinh nghiệm của chủ hôn. Nếu gia đình nhờ được người quen làm chủ hôn thì có thể sẽ không mất phí. Tuy nhiên, bạn cũng nên chuẩn bị quà cáp để biếu tặng vị chủ hôn như một lời cảm ơn. Điều này là đúng phép tắc và sẽ không ai có thể chê trách được.
Hy vọng qua bài viết này của Forevermark, bạn đã hiểu được chủ hôn là gì, vai trò, cách lựa chọn chủ hôn cùng những thắc mắc khác liên quan.
Để đón đọc thêm thông tin về tổ chức tiệc cưới, sự kiện, hội thảo… hãy theo dõi Forevermark thường xuyên nhé.
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ TIỆC CƯỚI FOREVERMARK
Địa chỉ: 614 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội (đối diện công viên nước Hồ Tây)
Hotline: 098 993 9698
Fanpage: facebook.com/forevermark.vn
Instagram: @forevermark_wedding
Tiktok: @forevermark.official
Pinterest: pinterest.com/forevermarkvietnam/