Việc chuẩn bị và sắp xếp mâm trái cây chưng bàn thờ ngày cưới là điều mà mỗi gia đình cần lưu ý và thực hiện cẩn thận. Một đĩa trái cây được bày trí chỉn chu và tươm tất, kết hợp cùng hai bình hoa tươi tắn sẽ giúp cho không gian thờ cúng tổ tiên trở nên trang trọng hơn trong ngày trọng đại của hai gia đình. Vậy những loại trái cây nào thường được chưng trên bàn thờ trong ngày cưới và chúng có ý nghĩa gì, cách bài trí như thế nào? Cùng Forevermark tìm hiểu ngay nhé!
Table of Contents
Mâm trái cây chưng bàn thờ ngày cưới mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện ước nguyện và khao khát của gia chủ, đặc biệt là đôi uyên ương về một cuộc sống hạnh phúc tròn đầy. Mỗi loại trái cây đều có ý nghĩa riêng biệt, được thể hiện qua tên gọi, ý nghĩa và cách sắp xếp hợp lý. Người xưa thường chọn 5 loại quả đặc trưng để tượng trưng cho Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh cho những cặp đôi mới cưới.
Mỗi vùng miền có cách sắp xếp mâm trái cây khác nhau, nhưng đều mang chung một ý nghĩa là mong muốn thuận vợ thuận chồng, thuận buồm xuôi gió, nhiều may mắn và tài lộc.
Ví dụ, ở miền Bắc thường chọn các loại quả như cam, táo, lê, đào và hồng để chưng trong mâm trái cây.
Trong khi đó, ở miền Nam thì xoài, mãng cầu, nho, thanh long và táo đỏ được ưa chuộng hơn rất nhiều.
Dù ngày cưới được tổ chức long trọng hay đơn giản thì mâm trái cây trên bàn thờ vẫn là một phần không thể thiếu. Chưng trái cây bàn thờ ngày cưới không chỉ giúp bàn thờ đẹp hơn, đầy đủ hơn mà còn mang đến những ý nghĩa sâu sắc, giúp đôi uyên ương có được sự may mắn trong cuộc sống hôn nhân sau này.
Mỗi vùng miền có quan niệm riêng về cách chưng các loại trái cây khác nhau, nhưng dưới đây là 7 loại trái cây phổ biến mà bạn có thể tham khảo:
Quả nho là một trong những loại trái cây được nhiều gia đình ưa chuộng chưng trên bàn thờ ngày cưới. Theo quan niệm của ông bà ta, nho thể hiện sự mong ước cho một cuộc sống hạnh phúc và ngọt ngào của lứa đôi. Hình ảnh chùm nho trên bàn thờ cũng mang đến lời chúc con cháu đầy đàn cho cặp đôi uyên ương mới cưới. Màu sắc của quả nho cũng khá nổi bật, giúp bàn thờ ngày cưới nhà bạn trông đẹp mắt và ấn tượng hơn.
Theo quan niệm của người phương Đông, quả táo có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn và mang đến phúc lành, phú quý cho con người. Khi chưng táo trên bàn thờ trong ngày cưới, nó thể hiện sự đồng thuận và giàu sang trong gia đình, giúp cặp đôi uyên ương hạnh phúc mỹ mãn trong cuộc sống hôn nhân.
Thanh long không chỉ có vẻ ngoài đẹp mà còn có cái tên đẹp. “Long” là rồng, và rồng là linh vật tượng trưng cho sự may mắn, long trọng và mạnh mẽ. Vì vậy, thanh long thường được chọn làm loại quả chưng trên bàn thờ chúc đôi uyên ương mới cưới gặp nhiều thuận lợi và cát tường trong cuộc sống sau này. Do đó, khi chưng trái cây trên bàn thờ ngày cưới, bạn không nên bỏ qua quả thanh long nhé.
Nếu bạn đang tìm kiếm loại trái cây chưng bàn thờ gia tiên ngày cưới thì mãng cầu là một gợi ý tuyệt vời. Mãng cầu mang ý nghĩa là những điều con cháu khẩn cầu ông bà tổ tiên cổ thể mang phúc đến cặp đôi mới cưới. Điều này với ý nguyện mong rằng đôi uyên ương sẽ gắn chặt tình cảm, hòa thuận và luôn hạnh phúc về sau này.
Bên cạnh đó, màu sắc của mãng cầu là màu xanh lá, có thể hài hòa với màu tím và màu đỏ của các loại trái cây khác.
Quả xoài thường được chưng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày cưới của nhiều gia đình. Đây là một trong những loại trái cây giúp mang lại nhiều may mắn cho đôi vợ chồng mới cưới. Người miền Nam thường đọc “xoài” thành “xài”, mang ý nghĩa về sự dư dả tài chính giúp cặp đôi thuận lợi hơn trong cuộc sống sau này. Ngoài ra, vào ngày lễ tết, nhiều gia đình cũng ưa chuộng chọn quả xoài đơm trên mâm ngũ quả với ý nghĩa tương tự.
Quả cam là một trong những loại trái cây thường được chọn để chưng trên bàn thờ trong ngày cưới. Tuy nhiên, loại quả này chỉ phổ biến trong mâm ngũ quả ngày cưới miền Bắc bởi họ tin rằng quả cam sẽ mang lại may mắn và xua đuổi tà ma nhờ hương vị của chúng.
Còn ở miền Nam, khi nghĩ đến quả cam, họ sẽ cho rằng đó là sự “cam chịu” và không thích hợp để chưng trên bàn thờ tổ tiên ngày cưới.
Trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày cưới, nhiều người cũng thường lựa chọn quả thơm. Quả này thường được trang trí thành hình thân rồng với đầu rồng rất đẹp. Trong tiếng Hoa, quả thơm có cách phát âm gần giống với chữ may mắn, nên khi chưng trên bàn thờ, người ta quan niệm rằng nó sẽ mang đến sự may mắn, giàu có và thịnh vượng cho cặp đôi uyên ương.
“Ngũ” có nghĩa là năm. Ngũ quả là 5 loại trái cây khác nhau được trình bày đẹp mắt để dâng lên tổ tiên. Số 5 được chọn dựa trên quan niệm của người Phương Đông, tượng trưng cho ngũ hành trong vũ trụ: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Theo phong thủy, ngũ hành tương ứng với 5 màu sắc khác nhau: Kim (kim loại) – màu sáng và ánh kim; Mộc (cây cỏ) – màu xanh lục; Thuỷ (nước) – màu xanh biển sẫm và đen; Hỏa (lửa) – màu đỏ và tím; Thổ (đất) – màu nâu, vàng và cam.
Vậy tại sao người Việt lại chọn hoa quả và trái cây thay vì 5 loại yếu tố khác? Theo các chuyên gia phong thủy, người xưa quan niệm hoa quả thường có chùm, có múi hoặc bên trong quả lại bao bọc nhiều hạt. Vì vậy, trái cây là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa tốt. Thờ cúng mâm ngũ quả thể hiện mong ước công việc phát triển rực rỡ, sinh sôi nảy nở và đời sống con cháu đủ đầy, hạnh phúc viên mãn.
Mâm ngũ quả là một phần quan trọng trong lễ cưới của người Việt Nam. Cách bày trí và loại quả được chọn có thể khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền. Cụ thể :
Cách chưng trái cây trên bàn thờ ngày cưới miền Bắc
Trên bàn thờ gia tiên ngày cưới của người miền Bắc thường có các loại quả phổ biến như: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, hồng xiêm, đào, quýt/quất, trứng gà (trái lekima) và đu đủ.
Cách chưng trái cây đẹp ngày cưới của người miền Bắc là : Nải chuối được đặt bên dưới cùng, quả bưởi đặt lên trên sao cho hai chuối ôm trọn quả bưởi. Những loại quả còn lại thì sắp xếp xen kẽ sao cho hài hòa về bố cục và màu sắc.
Về cách sắp xếp : Nếu như người miền Bắc sẽ sắp xếp trái cây một cách đơn giản và hài hòa trong khay hoặc đĩa to, thì người miền Nam lại trang trí mâm ngũ quả theo hình tháp hoặc những hình dáng cầu kỳ và bắt mắt hơn.
Cách chưng trái cây trên bàn thờ ngày cưới miền Trung
Trái cây chưng bàn thờ ngày cưới của người miền Trung thường là những loại hoa quả địa phương. Bởi họ không cầu kỳ trong việc trang trí và chú trọng đến sự thành tâm đối với tổ tiên. Các loại trái cây thường thấy trên bàn thờ bao gồm: Thanh long, chuối, mãng cầu, xoài, dưa hấu, thơm (dứa), dừa, cam, quýt, sung và đu đủ. Cách trình bày trái cây ngũ quả của họ đơn giản và theo lệ “có gì cúng nấy”cũng như tùy theo thẩm mỹ của mỗi người.
Cách chưng trái cây trên bàn thờ ngày cưới miền Nam
Người miền Nam có cách trang trí bàn thờ gia tiên khá cầu kỳ và kén chọn. Các loại trái cây trên bàn thờ phải có tên hay và ý nghĩa tốt. Do đó, một số loại trái cây được ưa chuộng ở miền Bắc và miền Trung lại bị cấm kỵ ở miền Nam. Ví dụ như chuối, lê, cam và quýt. Trái cây ngũ quả của người miền Nam thường có tên gọi lạ và hay như “cầu sung vừa đủ xài”, bao gồm mãng cầu, sung, dừa (vừa), xoài (xài).
Trái cây ngũ quả ngày cưới có khác trái cây ngũ quả thường ngày không?
Cách chưng trái cây bàn thờ ngày cưới và ngày thường không có sự khác biệt. Đối với người miền Trung, họ thường dùng cùng loại trái cây để thờ cúng ông bà vào ngày cưới và ngày thường. Tùy theo từng gia đình, ngày cưới có thể chọn những loại trái cây đặc biệt hơn để thờ cúng ông bà. Điều này không bắt buộc nhưng khá hợp lý vì có sự tham dự của bà con hai họ.
Mâm ngũ quả ngày cưới có phải là mâm tráp do nhà trai đem tới không?
Mâm ngũ quả ngày cưới không phải là mâm tráp do nhà trai đem tới. Mâm ngũ quả là mâm do nhà gái chuẩn bị để thờ cúng ông bà. Còn mâm tráp lại hoành tráng hơn và có thể đắt tiền hơn, do nhà trai chuẩn bị và đem tới nhà gái trong lễ ăn hỏi.
Trái cây chưng bàn thờ gia tiên ngày cưới do ai chuẩn bị?
Trái cây chưng bàn thờ gia tiên ngày cưới thường do người trong gia đình lo việc thờ cúng ông bà chuẩn bị. Bình thường người đảm nhận công việc này là mẹ cô dâu (bên nhà gái) hoặc mẹ chú rể (bên nhà trai).
Cách lựa chọn trái cây để chưng bàn thờ ngày cưới
Để mâm trái cây ngày cưới trở nên đẹp và lịch sự, bạn nên chọn những loại trái cây tươi, vỏ láng mịn, không trầy xước và có hình thù tròn trịa. Không nên chọn những loại trái cây có hình dạng xù xì và gai góc. Khi mua nên dư một ít để đề phòng quả hư. Trái cây được lựa chọn để bày mâm ngũ quả nên có màu sắc sặc sỡ và nổi bật. Nên lựa chọn sao cho mỗi loại trái cây có một màu riêng biệt.
Ngoài mâm trái cây thì cần chuẩn bị những gì cho bàn thờ gia tiên?
Ngoài mâm trái cây, bạn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho bàn thờ gia tiên ngày cưới như chữ hỷ, câu đối đỏ, bát hương, cặp lư đồng, hoa tươi và cặp đèn cầy hình long phụng.
Có nên sử dụng hoa quả giả để bày mâm ngũ quả?
Theo quan niệm của người Việt, việc bày đồ giả trên bàn thờ là không tôn trọng thần linh và tổ tiên. Vì vậy, bạn nên chọn mua hoa quả chín thật để bày mâm ngũ quả nhé.
Có nên nhờ dịch vụ cung cấp mâm ngũ quả chưng bàn thờ ngày cưới không?
Trong ngày cưới, nếu gia đình dùng dịch vụ thuê cổng hoa, bàn ghế hai họ, phông màn và dọn dẹp bàn thờ gia tiên, thì bạn có thể nhờ họ trang trí trái cây cho bàn thờ ông bà luôn. Điều này sẽ thuận tiện cho người trong nhà và không phải lo lắng về những việc lặt vặt, trong khi mọi thứ vẫn được chuẩn bị chu đáo.
Trên đây là cách chưng trái cây chưng bàn thờ ngày cưới mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng bạn có thể biết cách bày hoa quả trên bàn thờ ngày cưới thật đẹp và trang trọng để ngày vui thêm trọn vẹn.
Hãy theo dõi Forevermark thường xuyên để đón đọc những thông tin về tổ chức sự kiện, hội thảo và tiệc cưới nhé.
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ SỰ KIỆN FOREVERMARK
Địa chỉ: 614 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội (đối diện công viên nước Hồ Tây)
Hotline: 098 993 9698
Fanpage: facebook.com/forevermark.vn
Instagram: @forevermark_wedding
Tiktok: @forevermark.official
Pinterest: pinterest.com/forevermarkvietnam/