Bên cạnh những nghi lễ quan trọng, trong thủ tục cưới hỏi truyền thống của người Việt còn có lễ lại mặt. Không như đám hỏi, lễ lại mặt là nghi thức quan trọng cuối cùng để một đám cưới được cho là trọn vẹn. Tuy nhiên không nhiều người thực sự hiểu rõ về nghi thức này, dưới đây sẽ là những giải đáp chi tiết nhất của Forevermark về vấn đề này. Cùng tìm hiểu nhé.
Table of Contents
Lễ lại mặt, hay còn gọi là lễ nhị hỷ hoặc lễ tứ hỷ, là nghi lễ cuối cùng trong phong tục cưới hỏi, được tổ chức sau khi kết thúc đám cưới, cô dâu chú rể sẽ chọn một ngày để về thăm gia đình nhà vợ.
Thời xưa, lễ lại mặt thể hiện sự hài lòng của nhà trai đối với nàng dâu mới. Ngày nay, lễ lại mặt là dịp để cô dâu chú rể thăm hỏi các đấng sinh thành, bày tỏ lòng cảm ơn của mình đối với công lao sinh thành và dưỡng dục của bố mẹ nhà gái. Không những thế, lễ lại mặt nhà gái còn là dịp để cô dâu về thăm gia đình, giúp nàng dâu vơi bớt nỗi nhớ nhà vừa để cha mẹ cô dâu hỏi han, an ủi và khuyên nhủ con cái về trách nhiệm ở nhà chồng. Đồng thời là thời gian để chú rể gần gũi và thân thiết hơn với gia đình nhà vợ.
Tùy từng vùng miền và điều kiện của từng gia đình mà lễ lại mặt có thể tổ chức vào những thời gian khác nhau. Theo tập tục cưới hỏi của người Việt, thường sẽ tổ chức lễ lại mặt sau 3 ngày cưới, một số nơi sẽ chọn ngày thứ hai hoặc ngày thứ 4 sau ngày cưới để tổ chức.
Nếu hai gia đình có khoảng cách địa lý quá xa thì lễ lại mặt sau ngày cưới có thể diễn ra trong vòng 1 tuần sau khi nhà trai đón dâu về. Trường hợp cặp đôi quá bận rộn công việc, các bạn có thể châm chước bỏ qua lễ lại mặt sau khi bàn bạc cùng bố mẹ vợ và có thể thực hiện vào những dịp nghỉ lễ hoặc Tết cùng năm đó.
Sau khi hiểu được thế nào là lễ lại mặt, sau đây chúng ta hãy tìm hiểu thành phần lễ lại mặt gồm những ai nhé. Vì lễ lại mặt là dịp để cặp vợ chồng mới cưới về thăm hỏi bố mẹ vợ, do đó thành phần tham gia lễ lại mặt chỉ bao gồm cô dâu chú rể, bố mẹ cô dâu và anh/chị/em ruột của cô dâu.
Ngoài ra, lễ lại mặt không phải là một lễ trọng nên gia đình cũng không cần mời họ hàng, hàng xóm như lễ cưới. Nếu có bà con gần nhà, cặp đôi chỉ cần thu xếp qua thăm hỏi cho phải đạo là đủ.
Vì đây không phải là một nghi lễ quá quan trọng, lễ lại mặt chỉ yêu cầu cặp đôi và gia đình chuẩn bị một vài việc cơ bản như lễ lại mặt, trang phục gọn gàng và mâm cơm thiết đãi là đủ. Sau đây cùng Forevermark tìm hiểu lễ lại mặt gồm những gì nhé.
Lễ vật trong lễ lại mặt là những món đồ mà gia đình nhà trai chuẩn bị cho cặp đôi mang về nhà gái để thắp hương tổ tiên. Theo truyền thống, lễ vật thường bao gồm trầu cau, trà rượu, xôi, gà và heo quay.
Tuy nhiên, hiện nay, lễ vật trong lễ lại mặt đã được giản lược bớt, chỉ cần những món quà nhỏ như giỏ trái cây, bánh kẹo, chai rượu và phong bì nhỏ nếu gia đình có điều kiện về tài chính. Bởi những món quà này chỉ mang giá trị tinh thần là chính.
Về phía gia đình nhà gái, cha mẹ cô dâu sẽ chuẩn bị mâm cơm đầm ấm cùng con gái và con rể. Tuy nhiên, bữa cơm này chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình thân thiết, không cần mời thêm họ hàng hay bạn bè. Nếu có thời gian, sau khi thắp hương trên bàn thờ gia tiên và dùng cơm gia đình, cặp đôi có thể ghé thăm họ hàng và những người thân thiết khác.
Vì lễ lại mặt chỉ bao gồm những người thân trong gia đình nên cô dâu chú rể không cần chọn những trang phục quá cầu kỳ. Cặp đôi nên chọn những trang phục thường ngày nhưng vẫn cần đảm bảo sự chỉn chu, lịch sự.
Bên cạnh đó, hai bạn cũng nên chọn những bộ trang phục giúp thoải mái vận động để khi về nhà bố mẹ có thể dễ dàng giúp bố mẹ và mọi người chuẩn bị mâm cơm. Đặc biệt chú rể nên xông xáo giúp đỡ mọi người để hiểu và thân thiết thêm với những thành viên trong gia đình nhà vợ.
Vì lễ lại mặt là buổi lễ nhỏ, chỉ bao gồm những thành viên trong gia đình nên cũng không cần phát biểu trang trọng hay gì cả. Cặp vợ chồng mới chỉ cần về thăm bố mẹ vợ, cùng mọi người chuẩn bị mâm cơm và trò chuyện vui vẻ thân mật với nhau là được.
Hiện có nhiều người vẫn nhầm lẫn lễ lại mặt miền bắc với lễ phản bái trong đám cưới miền Tây do có sự tương đồng về việc cô dâu chú rể về thăm hỏi gia đình nhà gái. Tuy nhiên, đây là hai nghi lễ có mục đích và số người tham gia hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, lễ phản bái có nhiều người tham gia hơn so với lễ lại mặt, bao gồm cả bố mẹ chú rể thay vì chỉ có cặp vợ chồng mới cưới về thăm hỏi nhà vợ. Về mục đích, lễ lại mặt chỉ mang ý nghĩa cảm ơn gia đình nhà gái, lễ phản bái giúp hai gia đình gắn kết tình thông gia và bàn bạc tương lai của cặp đôi trẻ.
Dù chỉ là một nghi lễ nhỏ nhưng cặp đôi vẫn cần lưu ý những điều sau để có một ngày thăm hỏi bố mẹ thật đầm ấm và hạnh phúc.
1. Không về một mình
Trong lễ lại mặt, bắt buộc phải có cả vợ và chồng về và thăm hỏi bố mẹ vợ. Nếu chỉ có vợ hoặc chồng về, người lớn trong nhà sẽ cảm thấy không được tôn trọng đồng thời cũng sẽ nghĩ rằng vợ chồng đang có cãi vã. Do đó, nếu hai vợ chồng có việc đột xuất thì hãy báo trước với gia đình và lùi lại lịch gặp mặt để cả hai có thể cùng về nhà bố mẹ.
2. Không về lúc chiều muộn
Hai người nên về từ sáng sớm để có nhiều thời gian ở cùng bố mẹ. Thêm vào đó, cặp đôi có thể cùng phụ giúp mọi người làm mâm cơm và thăm bà con, họ hàng xung quanh. Tuyệt đối không nên về lúc chiều muộn khi mâm cơm đã làm xong, sẽ khiến các thành viên trong gia đình sẽ cảm thấy xa lạ như đang đón khách chứ không phải đón các con về.
3. Không nên về tay không
Dù ít hay nhiều thì cặp đôi vẫn nên mang chút quà về biếu bố mẹ do mọi người trong nhà chỉ cần tấm lòng của hai vợ chồng chứ không quan tâm giá trị của món quà. Vậy nên hãy nhớ chuẩn bị chút quà nhỏ để không khí trong nhà càng trở nên hòa thuận và vui vẻ nhé.
Thực tế hiện nay, nhiều gia đình đã bỏ qua việc tổ chức lễ lại mặt, do cuộc sống bận rộn nên vợ chồng chỉ về thăm bố mẹ vợ khi đã sắp xếp được thời gian phù hợp hoặc trong những dịp lễ Tết. Tuy nhiên nếu có thể sắp xếp, hai bạn vẫn nên làm lễ này để thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành và tổ tiên.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu được lễ lại mặt là gì, cách chuẩn bị cùng những vấn đề liên quan khác.
Hãy theo dõi Forevermark thường xuyên để đón đọc những thông tin về tổ chức sự kiện, hội thảo và tiệc cưới nhé.
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ TIỆC CƯỚI FOREVERMARK
Địa chỉ: 614 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội (đối diện công viên nước Hồ Tây)
Hotline: 098 993 9698
Fanpage: facebook.com/forevermark.vn
Instagram: @forevermark_wedding
Tiktok: @forevermark.official