Phong tục tập quán của người Việt ta trong việc cưới hỏi từ xưa đến nay rất cầu kỳ, được xem là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài những nghi lễ như lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới thì lễ dẫn cưới cũng là điều được nhiều người quan tâm. Nếu bạn và người ấy chuẩn bị về chung một nhà thì những thông tin cần biết về lễ dẫn cưới trong bài viết dưới đây của Forevermark chắc chắn sẽ vô cùng hữu ích. Cùng theo dõi nhé!
Table of Contents
Ngày xưa, khi các nghi thức chưa được giản lược thì lễ dẫn cưới được tổ chức trang trọng như một buổi lễ ăn hỏi. Lễ dẫn cưới hay còn gọi là lễ nạp tài (tại miền Bắc) là một nghi thức truyền thống trong đám cưới Việt, trong đó nhà trai sẽ mang lễ vật như trầu cau, đặc biệt là các lễ vật có giá trị như tiền mặt, trang sức…tới nhà gái.
Lễ dẫn cưới thể hiện sự kính trọng của nhà trai dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng cô dâu. Không chỉ vậy, lễ dẫn cưới còn là sự quý mến, trân trọng cô dâu chuẩn bị đến với gia đình mới.
Ở khía cạnh khác, đây cũng được xem như nhà trai góp một phần công sức, tiền của và việc chăm lo cho con dâu trước ngày thành hôn. Nhà gái có thể sử dụng số tiền này để chuẩn bị đám cưới hoặc đưa cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
Sau khi hiểu được khái niệm lễ dẫn cưới là gì, tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu tráp dẫn cưới gồm những gì? Thông thường, tráp dẫn cưới gồm có:
Trầu cau
Như ông bà ta có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trầu cau đại diện cho tình cảm vợ chồng bền chặt, gắn bó. Cau được chọn là những buồng cau đẹp, trái tròn đều và những nắm lá trầu xanh mướt, tươi mới để mâm lễ thêm đẹp mắt, trang trọng.
Trà rượu
Trà rượu được dâng lên bàn thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành và sự biết ơn, đồng thời mong ông bà tổ tiên chứng giám cũng như là lời xin phép được rước cô dâu về làm vợ trước sự chứng kiến của đôi bên. Trà rượu thường được chuẩn bị theo cặp, được gói bằng giấy kiếng màu đỏ kèm theo nơ và ruy băng trang trí đẹp mắt.
Bánh và trái cây
Trái cây mang ý nghĩa tình yêu đôi lứa luôn ngọt ngào, tươi mới, chúc cho hôn nhân của cô dâu chú rể sớm đơm hoa kết trái.
Trong lễ dẫn cưới miền Bắc, loại bánh được ưa chuộng là bánh cốm, còn bánh kem lại là loại bánh được chuẩn bị trong sính lễ dẫn cưới miền Nam. Dù là loại bánh nào thì gia đình cũng nên sắp xếp theo hình chóp và trang trí thêm ruy băng đỏ kèm nơ cho đẹp mắt và hài hòa hơn.
Heo quay
Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà có thể chuẩn bị thêm heo quay. Heo quay mang ý nghĩa phát tài, phát lộc và chúc cho cô dâu chú rể sớm có con đầu lòng. Heo được chọn phải là heo sữa, làm sạch và quay nguyên con, có màu vàng ươm. Heo được gói bằng giấy đỏ hồng, phủ vải đỏ lên thân, đầu và đuôi được trang trí thêm các phụ kiện như hoa, lá tươi cho mâm lễ trông hài hòa hơn.
Ngoài những lễ vật kể trên, tráp dẫn cưới còn bao gồm các lễ vật có giá trị như tiền mặt, dây chuyền, trang sức có giá trị… Để hiểu được tiền dẫn cưới là gì thì tiền dẫn cưới thường được biết đến với cái tên là tiền thách cưới hay tiền nạp tài. Số tiền này là nhà trai góp phần với gia đình nhà gái cho chi phí tổ chức đám cưới. Tiền dẫn cưới thường được bỏ vào lì xì màu đỏ có chữ hỷ và để chung với khay trầu cau, phủ khăn thêu màu đỏ, mang ý nghĩa đáp ứng yêu cầu thách cưới của nhà gái.
Vậy dẫn cưới bao nhiêu tiền là phù hợp? Tùy từng vùng miền mà tiền dẫn cưới sẽ có sự chênh lệch khác nhau. Tuy nhiên ngày nay số tiền thách cưới của nhà gái có thể ít nhiều tùy vào điều kiện của nhà trai bởi lễ cưới do cả hai nhà lo nên việc thách cưới cũng giảm nhẹ đi. Chú rể nên tìm hiểu tập tục cưới tại nhà cô dâu hoặc cô dâu chú rể sẽ thống nhất giữa hai gia đình để chuẩn bị đúng và đủ nhất nhé..
Ngày xưa, lễ dẫn cưới được tổ chức vào một buổi lễ riêng chứ không phải gộp và lễ ăn hỏi như ngày nay. Ngày đó, khi các nghi lễ vẫn còn nhiều thủ tục thì lễ dẫn cưới được thực hiện trang trọng như một buổi lễ chính như lễ ăn hỏi, lễ cưới.
Ngày nay, khi các nghi lễ đã được lược bỏ dần để phù hợp với cuộc sống hiện đại thì lễ dẫn cưới và lễ hỏi được gộp chung với nhau, không chỉ giúp các nghi lễ được thực hiện nhanh chóng mà còn giảm bớt chi phí và công sức cho hai bên gia đình.
Do đó, lễ ăn hỏi ngày nay đã bao gồm các thủ tục lễ dẫn cưới, ngoài ra còn có khu vực gọi là lễ nạp tài, lễ đen.
Thủ tục dẫn cưới thông thường gồm bước, cùng Forevermark tìm hiểu cụ thể trình tự lễ dẫn cưới trong phần dưới đây nhé.
Bước 1 : Nhà trai mang lễ vật đến nhà gái
Lễ dẫn cưới được bắt đầu bằng việc nhà trai mang lễ vật đến nhà gái. Tráp dẫn cưới được nhà trai chuẩn bị trước khoảng 1 – 2 tuần và đúng ngày lành tháng tốt đã định nhà trai sẽ mang lễ vật di chuyển tới nhà gái.
Khi đến nhà gái, nhà trai đỗ xe cách nhà gái khoảng 100m và chỉnh tề lại trang phục, đồng thời sắp xếp thứ tự để tránh lộn xộn khi tiến vào nhà gái.
Bước 2 : Nhà trai nhà gái chào hỏi và tiến hành trao lễ vật
Sau khi hai bên gia đình gặp mặt và ổn định chỗ ngồi, đại diện nhà trai sẽ bắt đầu giới thiệu các thành viên trong đoàn, nêu lý do buổi gặp mặt, trao lễ vật cho nhà gái Sau bài phát biểu dạm ngõ của đại diện nhà trai, đại diện nhà gái thay mặt cô dâu gửi lời cảm ơn, nhận lễ vật và chấp thuận cho đôi trẻ nên vợ nên chồng.
Bước 3 : Chú rể lên đón và gặp mặt cô dâu
Sau khi hai gia đình phát biểu và trao lễ vật, chú rể sẽ lên phòng đón cô dâu xuống chào hỏi quan viên hai họ. Lưu ý, cô dâu không được tự ý xuống khi chú rể chưa đón vì như vậy được cho rằng là thiếu lễ phép.
Bước 4 : Cô dâu chú rể làm lễ gia tiên
cha mẹ cô dâu sẽ chọn một sính lễ đại diện dâng lên bàn thờ gia tiên. Tiếp đến, cô dâu chú rể sẽ thắp hương, với mục đích ra mắt chú rể báo cáo ông bà tổ tiên và cầu mong tổ tiên phù hộ cho chuyện hôn nhân sắp tới của cặp đôi được tốt đẹp. Sau khi đã thắp hương, cô dâu chú rể quay lại buổi lễ để tiếp quan viên hai họ
Bước 5 : Hai gia đình bàn bạc về lễ cưới
Khi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, hai bên gia đình sẽ bàn bạc và thống nhất các công việc cần thiết cho lễ cưới như ngày giờ, địa điểm của các nghi lễ quan trọng như lễ rước dâu, lễ vu quy và lễ thành hôn.
Bước 5 : Nhà gái thực hiện nghi lễ lại quả cho nhà trai
Vì lễ dẫn cưới và lễ hỏi được gộp chung nên trước khi nhà trai xin phép ra về, nhà gái sẽ lấy mỗi lễ vật một ít để trả lại cho nhà trai. Việc chia đồ phải thực hiện bằng tay, không dùng các công cụ như dao, kéo để chia lễ và trả tráp cần để ngửa nắp. Sau đó nhà trai xin phép ra về và nghi lễ kết thúc.
Trong lễ dẫn cưới, không thể thiếu được phần phát biểu của hai bên đại diện gia đình. Nếu chưa biết chuẩn bị bài phát biểu dẫn cưới như thế nào, hãy tham khảo các mẫu phát biểu hay nhất mà Forevermark đã sưu tập dưới đây nhé.
“Kính thưa các cụ, các ông, các bà cùng toàn thể nam nữ thanh niên của hai gia đình. Tôi là …………., là (ông/ bác/ chú…) của cháu ………………..
Trước tiên, tôi xin thay mặt cho gia đình nhà trai gửi những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất đến với toàn thể họ nhà gái và những vị khách quý đã có mặt trong buổi lễ này. Tôi cũng xin giới thiệu thành phần họ nhà trai tham dự lễ ăn hỏi của cháu ……..hôm nay gồm: ……………………………………………………………………
Hôm nay, ngày lành tháng tốt, sau thời gian dài tìm hiểu, cháu ……. và cháu ………. đã thưa chuyện với hai bên gia đình về quyết định muốn tiến tới hôn nhân. Theo nguyện vọng của hai cháu, đoàn nhà trai chúng tôi có cơi trầu và lễ vật gồm: (…) mang sang xin thưa chuyện với gia đình nhà gái.
Mong các cụ, các ông, các bà trong họ nhà gái chấp thuận để cháu……….thành con, thành rể trong nhà và cháu ……… thành con dâu của gia đình chúng tôi. Đại diện cho họ nhà trai, tôi xin chân thành cảm ơn”
“Xin cảm ơn lời phát biểu của bác … đại diện họ nhà trai. Trước khi phát biểu, cho tôi xin phép gửi lời chào tới toàn thể khách quan trong buổi lễ ăn hỏi ngày hôm nay. Tôi là …….., là (ông/ bác/ chú…)của cháu …………, xin phép đại diện cho họ nhà gái có đôi lời phát biểu sau đây.
Gia đình nhà gái chúng tôi trong buổi lễ hôm nay có mặt rất đầy đủ, từ tôi, ông bà nội, ông bà ngoại của cháu ……., bố mẹ cháu, các cô các chú và anh em, bạn bè gần xa của cháu ……….. cũng không quản ngại tham dự buổi lễ ăn hỏi long trọng này.
Cho phép tôi xin gửi lời cảm ơn tới họ nhà trai, gia đình đã cất công chuẩn bị lễ vật chu đáo cho buổi lễ ăn hỏi ngày hôm nay. Chúng tôi cũng xin được chấp thuận cho hai cháu tiến tới hôn nhân, từ giờ phút này hai cháu …… và ………….đã là dâu rể của cả hai gia đình.
Hai cháu cũng còn trẻ tuổi, tôi mong hai gia đình sẽ dạy dỗ và chỉ bảo hai cháu làm tròn bổn phận con cháu trong gia đình. Chúc cho hai cháu có một lễ thành hôn hạnh phúc sắp tới và cuộc sống hôn nhân trọn vẹn về sau. Tôi xin hết.”
Theo những gì Forevermark tìm hiểu, lễ nạp tài tại các miền không có sự khác nhau quá nhiều mà chỉ có những điều chỉnh về lễ vật khác nhau cho phù hợp với phong tục và văn hóa vùng miền đó.
Ví dụ, với lễ dẫn cưới miền Bắc, mọi người thường chọn số lẻ làm tiền thách cưới vì miền bắc cho rằng số lẻ mang lại may mắn cho cặp đôi trẻ. Số tiền này có thể là 5 triệu, 7 triệu, 9 triệu hoặc có thể nhiều hơn. Trong khi đó, tại miền Nam, số tiền thách cưới lại là số chẵn, biểu tượng cho sự có đôi có cặp, chẳng hạn như 6 triệu, 8 triệu, 10 triệu hay nhiều hơn. Thông thường nhà trai sẽ chuẩn bị 6 triệu vì 6 là số lộc, số đẹp.
Lễ dẫn cưới hiện nay phụ thuộc lớn vào sự thỏa thuận của hai bên gia đình. Chuẩn bị lễ dẫn cưới phù hợp với từng gia đình và từng vùng miền sẽ giúp nhà trai thể hiện được lời cảm ơn sâu sắc đến nhà gái cũng như thêm phần gắn kết tình cảm gia đình hai bên.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu được lễ dẫn cưới là gì, thủ tục lễ dẫn cưới cùng những vấn đề liên quan khác.
Hãy theo dõi Forevermark thường xuyên để đón đọc những thông tin về tổ chức sự kiện, hội thảo và tiệc cưới nhé!
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ TIỆC CƯỚI FOREVERMARK
Địa chỉ: 614 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội (đối diện công viên nước Hồ Tây)
Hotline: 098 993 9698
Fanpage: facebook.com/forevermark.vn
Instagram: @forevermark_wedding
Tiktok: @forevermark.official