Lễ gia tiên là một phần nghi thức vô cùng quan trọng trong đám cưới truyền thống của người Việt. Lễ này được xem là hình thức ra mắt của cô dâu chú rể với hai bên gia đình và ông bà tổ tiên. Do đó, việc nắm rõ trình tự thủ tục lễ gia tiên cũng như cách tiến hành nghi thức này là rất cần thiết cho cặp đôi và gia đình hai bên. Cùng Forevermark tìm hiểu ngay nhé!
Table of Contents
Lễ gia tiên hay còn gọi là lễ cúng gia tiên là nghi thức cô dâu chú rể thắp hương lên bàn thờ gia tiên để bày tỏ lòng tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên cũng như báo cáo về việc con cháu trong gia đình chuẩn bị thành gia lập thất.
Đây là một nghi thức không thể thiếu và rất quan trọng trong đám cưới Việt từ xưa đến nay. Đồng thời là một nghi thức mang nét đẹp văn hóa, nhằm mục đích báo cáo trước bàn thờ tổ tiên về hôn lễ của hai người. Ngoài ra, lễ gia tiên còn thể hiện mong muốn nhận được sự phù hộ may mắn và hạnh phúc từ tổ tiên, giúp cặp đôi thêm gắn kết và trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân tương lai.
Theo truyền thống, lễ gia tiên được tổ chức trong cả lễ ăn hỏi và lễ cưới tại gia đình nhà trai và nhà gái, tuy nhiên lại có sự khác biệt về thời điểm làm lễ gia tiên giữa hai gia đình. Cụ thể :
Lễ gia tiên ngày ăn hỏi chỉ được tổ chức tại nhà gái. Lễ gia tiên nhà gái được tiến hành sau khi nhà gái chính thức nhận lễ vật và chấp nhận lời hỏi cưới của nhà trai. Lúc này, cô dâu chú rể sẽ cùng thắp hương tại bàn thờ gia tiên nhà gái để ra mắt ông bà tổ tiên nhà cô dâu.
Với lễ thành hôn, lễ gia tiên sẽ được tiến hành tại cả hai bên gia đình. Đây là nghi thức sau cùng, được thực hiện sau khi hai gia đình đã thưa chuyện và cử hành xong các nghi thức khác trong lễ cưới.
Lễ gia tiên được tiến hành tương đối đơn giản, thành phần tham gia chính là cô dâu và chú rể. Ngoài ra, tùy vào địa điểm tổ chức lễ gia tiên mà có thêm người lớn tuổi hướng dẫn cặp đôi thắp hương trước bàn thờ gia tiên. Chẳng hạn như ở nhà trai, bố mẹ chú rể có thể là người hướng dẫn cặp đôi, còn bên nhà gái lại là bố mẹ cô dâu.
Việc trang trí bàn thờ gia tiên ngày cưới phụ thuộc vào phong tục tập quán của từng vùng miền và điều kiện của từng gia đình mà có sự khác nhau nhất định. Nhưng nhìn chung, bàn thờ gia tiên cần phải được lau dọn sạch sẽ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, có đồ thắp hương và trang trí đẹp mắt.
Mỗi vùng miền sẽ có những quan niệm khác nhau khi trang trí bàn thờ gia tiên, cụ thể như sau:
Miền Bắc
Tại miền Bắc, bàn thờ làm lễ gia tiên trong đám cưới chính là bàn thờ chính của gia đình, thường dùng để thờ cúng thường ngày. Trước khi buổi lễ diễn ra, bàn thờ gia tiên cần được dọn dẹp sạch sẽ, có thể trang trí thêm cặp câu đối và vải đỏ để mang đến may mắn.
Trên bàn thờ phải bày mâm ngũ quả, nếu muốn thêm phần long trọng, gia đình có thể trang trí hình rồng phượng. Ngoài ra, trên bàn thờ sẽ có một con gà luộc, một đĩa xôi gấc và những lễ vật của nhà trai mang tới để hỏi cưới, xin dâu.
Thêm vào đó, các loại hoa tươi như hoa lay ơn, hoa huệ, hoa cát tường… cũng sẽ được sử dụng để trang trí hai bên bàn thờ gia tiên.
Miền Trung
Đối với người miền Trung, cách trang trí bàn thờ gia tiên khá đơn giản bởi họ quan niệm “trọng lễ nghi khi tài vật”. Tuy nhiên bàn thờ gia tiên cũng cần được chuẩn bị chu đáo với đầy đủ mâm lễ cúng cùng với trầu cau, trà rượu, nến tơ hồng và bánh phu thê – lễ vật quan trọng không thể thiếu được. Về phía nhà trai, nếu gia đình có điều kiện thì có thể thêm vào mâm lễ bánh dẻo và bánh kem chứ không sử dụng heo quay, gà luộc như các vùng miền khác.
Miền Nam
Lễ cưới đối với người miền Nam rất quan trọng và cần quan tâm đến yếu tố thẩm mỹ và lễ nghi. Thông thường, các gia đình miền Nam sẽ tiến hành lập một bàn thờ tại phòng khách rộng rãi trong nhà để đảm bảo sự trang trọng khi tổ chức lễ gia tiên.
Bàn thờ gia tiên sẽ được treo phông đỏ câu đôi và chữ Hỷ. Cặp lư đồng thì cần được đánh bóng kỹ càng, mâm quả cưới thường được kết thành hình long phụng đẹp mắt. Một số gia đình có thể đặt ảnh tổ tiên, ông bà, ngai thờ hoặc có thể để trống.
Điểm ấn tượng trong cách trang trí bàn thờ gia tiên đám cưới tại đây là đôi nến lớn khắc hình long phụng được nhà trai mang đến trong lễ ăn hỏi. Cùng với đó, nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn một cặp chân nến để thắp lên bàn thờ gia tiên trong ngày đón dâu.
Theo phong tục, trong ngày ăn hỏi, lễ gia tiên chỉ được tổ chức tại nhà gái theo trình tự như sau :
Sau khi nhận các lễ vật và đồng ý lời xin dâu của nhà trai, đại diện nhà gái – thường là bố mẹ cô dâu sẽ mang một số sính lễ của nhà trai đặt lên bàn thờ gia tiên để thực hiện nghi lễ.
Cô dâu chú rể sẽ cùng nhau thắp hương lên bàn thờ tổ tiên theo sự hướng dẫn của người lớn.
Trong lễ cưới, lễ gia tiên nhà gái sẽ được tiến hành cuối cùng, sau khi nhà trai đến nơi và hoàn tất các thủ tục chào hỏi, phát biểu của đại diện hai bên gia đình.
Trình tự tổ chức lễ gia tiên nhà gái trong lễ cưới như sau :
Đầu tiên, bố cô dâu hoặc người đại diện nhà gái thắp hương lên bàn thờ gia tiên.
Bố cô dâu/người đại diện đọc bài khấn lễ gia tiên ngày cưới thông báo cô dâu chuẩn bị xuất giá và giới thiệu con rể tương lai ra mắt ông bà tổ tiên.
Tiếp theo, cô dâu chú rể sẽ cùng nhau thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà gái theo sự hướng dẫn.
Sau khi hương khói được thắp lên thì cũng là lúc kết thúc lễ gia tiên nhà gái, mọi người sẽ bắt đầu chuẩn bị rước dâu về nhà chồng.
Sau khi hoàn tất thủ tục đón dâu, cặp đôi sẽ lên xe hoa và cùng đoàn rước dâu về nhà trai. Tại đây, cô dâu chú rể sẽ thực hiện lễ gia tiên tại nhà trai với ý nghĩa thông báo hôn lễ của con cháu trong nhà và ra mắt nàng dâu mới trước ông bà tổ tiên của họ nhà trai.
Tương tự lễ gia tiên nhà gái, bố chú rể hoặc đại diện nhà trai sẽ thắp hương trước và đọc văn khấn lễ gia tiên ngày cưới để báo cáo tổ tiên.
Sau đó cô dâu chú rể sẽ thắp hương và làm lễ theo sự hướng dẫn của người lớn.
Khi lễ gia tiên nhà trai kết thúc, cô dâu chú rể cùng cúi lạy, dâng trà cho bố mẹ chú rể và mời nước các vị tiền bối trong gia đình nhà trai.
Sau đây là kịch bản dẫn chương trình lễ gia tiên mà bạn có thể tham khảo :
“– Nồng nhiệt chào mừng sự trở lại của Phái đoàn họ nhà trai và sự hiện diện cao quý của phái đoàn họ nhà Gái đã có mặt trong chương trình Lễ Tân Hôn của Chú Rể….. Và Cô Dâu…….
– Xin mời quý cụ ông cụ bà, các bậc cao niên, các vị Đại diện cùng trở vào trong nhà tham dự tiệc trà và chuẩn bị đến với thật nhiều các nghi thức và nghi lễ quan trọng.
– Xin mời Cô Dì Chú Bác và những người bằng hữu thân thiết của Chú Rể và Cô Dâu cùng an tọa tại bàn tiệc ngoài hôn trường để ban lễ tân đc tiếp trà đến quý vị.
– Ban tổ chức xin mời cô dâu và chú rể cùng trở vào trong nhà để thực hiện 1 nghi lễ đầu tiên, trên con đường thành vợ thành chồng, tại trước hương đường gia tộc họ nhà trai. Đó là nghi lễ Gia tiên.
– Trân trọng kính mời!”
“Kính thưa cụ ông, cụ bà, anh em nội ngoại của hai gia đình cùng bạn bè thân thiết của hai cháu.
Trước tiên Tôi xin đại diện cho họ nhà trai kính chúc sức khỏe các cụ ông cụ bà anh chị em của hai gia đình, bạn bè thân thiết của hai cháu có mặt đông đủ tại đây để chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu….
Tôi xin được tự giới thiệu tôi là… là … của cháu … Được sự chấp thuận của gia đình hai bên, hôm nay, gia đình chúng tôi xin phép thay mặt bên họ nhà trai, xin có cơi trầu kính dâng gia tiên bên đằng nhà gái và xin phép được đón cháu … về làm dâu trong nhà tôi, và về làm cháu trong họ … chúng tôi. Và đồng thời gia đình tôi cũng xin phép gia đình ông … và bà … cho cháu … được làm con làm cháu trong gia đình ông bà. Xin kính mong ông bà nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chúng tôi.
Kính Thưa các cụ ông cụ bà, anh em nội ngoại, bạn bè của hai cháu.
Giờ tốt đã đến tôi xin đại diện cho đoàn đại biểu họ nhà trai xin trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nhiệt tình của họ nhà gái đối với đoàn đại biểu nhà trai chúng tôi. Mong muốn rằng tình cảm mà hai gia đình dành cho nhau sẽ ngày càng gắn bó thắm thiết hơn.
Sau đây xin phép các cụ các ông các cụ bà, anh em nội ngoại và các bạn của hai cháu họ nhà trai chúng tôi được đưa cháu… về gia đình ông … và bà … để tổ chức lễ thành hôn cho hai cháu
Kính mời Các cụ ông cụ bà cùng bạn bè của hai cháu về dự tổ chức với họ nhà trai chúng tôi
Tôi xin trân trọng cảm ơn.”
“Kính thưa các cụ ông cụ bà, anh em nội ngoại của hai gia đình cùng bạn bè thân thiết của hai cháu.
Trước tiên Tôi xin đại diện cho họ nhà gái kính chúc sức khỏe các cụ ông cụ bà, anh chị em của hai gia đình, bạn bè thân thiết của hai cháu có mặt đông đủ tại đây để chúc mừng hạnh phúc cho hai cháu … và…
Kính thưa Toàn thể các cụ ông cụ bà, các anh các chị và các bạn của hai cháu.Trải qua quá trình tìm hiểu của hai cháu … và … Được sự nhất trí vun vén hạnh phúc của bố mẹ hai bên đồng ý cho các cháu được xây dựng hạnh phúc trăm năm; được sự nhất trí chính quyền địa phương cho hai cháu đăng ký kết hôn .
Hôm nay ngày lành tháng tốt, họ nhà trai có cơi trầu trước hết kính gia tiên ông bà … nhà gái và xin phép đón cháu … về làm con dâu ông bà ông … nhà trai và là con cháu họ nhà trai. Đồng thời xin cho cháu … làm con rể của ông bà … nhà gái và làm con cháu của dòng họ chúng tôi.
Tôi xin thay mặt gia đình nhà gái nhận cơi trầu xin dâu của họ nhà trai chính thức nhận cháu … làm con rể ông bà ông …, làm cháu dòng họ chúng tôi đồng thời cho phép nhà trai đón cháu … về họ nhà trai để tổ chức lễ thành hôn cho 2 cháu.
Một lần nữa tôi xin kính chúc sức khỏe các ông các bà các anh các chị và các bạn thanh niên nam nữ của gia đình hai bên.
Chúc cho tình thông gia giữa 2 gia đình chúng ta ngày càng bền chặt
Chúc cho buổi hôn lễ hôm nay thành công tốt đẹp
Chúc hai cháu … và … trăm năm hạnh phúc
Xin trân trọng cảm ơn!”
Khi thực hiện lễ gia tiên, cô dâu chú rể cần chuẩn bị lời khấn vái trước tổ tiên để mong muốn tổ tiên che chở, phù hộ cho cuộc sống hôn nhân sau này. Dưới đây là 2 mẫu văn khấn lễ gia tiên ngày cưới để bạn tham khảo và lựa chọn
“Hôm nay ngày lành tháng tốt
Được sự đồng ý và thống nhất của gia đình hai bên.
Chúng con chính thức cử hành hôn lễ cho 2 cháu:
(Tên chú rể) và (Tên cô dâu).
Nay lễ đã thành.
Chúng con xin dâng các lễ vật theo truyền thống đến các chư vị tổ tiên.
Mong các vị tổ tiên phù hộ cho 2 cháu “Trăm Năm Hạnh Phúc”, “Đầu Bạc Răng Long”.
Chúng con xin thành tâm kính khấn.”
“Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy tiên họ chư vị Hương linh.
Tín chủ (chúng) con là:…
Ngụ tại:…
Hôm nay là ngày…
Tín chủ con có con trai (con gái) kết duyên cùng…
Con của ông bà….
Ngụ tại:…
Nay thủ tục hôn lễ đã thành. Xin kính dâng lễ vật, gọi là theo phong tục nghi lễ thành hôn và hợp cẩn, trước linh toạ Ngũ tự Gia thần chư vị Tôn linh, trước linh bài liệt vị gia tiên chư chân linh xin kính cẩn khấn cầu:
Phúc tổ đi lai
Sinh trai có vợ (nếu là nhà trai)
Sinh gái có chồng (nếu là nhà gái)
Lễ mọn kính dâng
Duyên lành gặp gỡ
Giai lão trăm năm
Vững bền hai họ
Nghi thất nghi gia
Có con có của
Cầm sắt giao hoà
Trông nhờ phúc Tổ
Chúng con lễ bạc tâm thành, xin được phù hộ độ trì.”
Bên cạnh lễ gia tiên cổ truyền, lễ gia tiên công giáo cũng được nhiều người quan tâm. Nghi thức lễ gia tiên công giáo sẽ có thêm những nghi thức nhằm bày tỏ lòng kính trọng, niềm tin với chúa và lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà cha mẹ.
Tương tự lễ gia tiên truyền thống, lễ gia tiên công giáo trong ngày ăn hỏi chỉ được tổ chức ở nhà gái, còn trong lễ cưới, lễ gia tiên sẽ được tiến hành tại cả hai nhà. Trình tự cụ thể sẽ được trình bày ngay sau đây.
Trong lễ ăn hỏi, lễ gia tiên công giáo sẽ tiến hành tại nhà gái. Buổi lễ sẽ được bắt đầu sau khi đoàn nhà trai đến nhà gái, gia đình và họ hàng hai bên đã ổn định chỗ ngồi.
Trình tự lễ gia tiên công giáo bao gồm: Tạ ơn Thiên chúa, kính nhớ tổ tiên và lễ mừng cha mẹ. Khi nghi lễ hoàn thành, hai bên gia đình gửi lời chúc phúc đến cô dâu và chú rể cùng lời cảm ơn tới họ hàng, người thân vì đã dành thời gian tham dự.
Với một số gia đình, mọi người sẽ ở lại cùng nhau ăn tiệc nhưng thông thường nhà trai sẽ xin phép quay về sau khi buổi lễ kết thúc. Buổi tiệc trong ngày ăn hỏi sẽ chỉ có sự tham gia của gia đình, người thân và họ hàng nhà gái.
Với ngày cưới, lễ gia tiên công giáo sẽ được tiến hành ở cả nhà trai và nhà gái; trong đó nhà gái gọi là lễ vu quy, nhà trai gọi là lễ tân hôn. Trình tự của lễ vu quy bên nhà gái tương tự như lễ ăn hỏi nhưng sẽ có thêm phần xin dâu.
Sau khi đã hoàn tất các nghi lễ tại nhà gái, nhà trai sẽ ngỏ lời làm lễ xin dâu rồi hai bên tiến hành lại quả trước cổng hoa. Đây cũng lại hoạt động cuối cùng kết thúc buổi lễ gia tiên tại nhà gái, nhà trai sẽ đón cô dâu về bằng xe hoa.
Buổi lễ gia tiên công giáo trong lễ cưới tại nhà trai bắt đầu khi cô dâu chú rể và quan viên hai họ đã về đến nhà trai. Sau khi hai bên đã ổn định chỗ ngồi và giới thiệu những thành viên trong đoàn, cô dâu chú rể và người đại diện sẽ tiến hành nghi thức gia tiên tại nhà trai gồm 3 lễ, đó là tạ ơn thiên chúa, kính nhớ tổ tiên, lễ mừng cha mẹ chồng.
Kết thúc nghi lễ, người lớn trong nhà sẽ dặn dò, chúc phúc cô dâu chú rể trong ngày trọng đại và cùng nhau dự tiệc nếu có.
Trình tự trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, có thể áp dụng nếu nhà trai theo đạo công giáo, trường hợp nhà trai không theo đạo thì hai bên gia đình cần hội ý trước để sắp xếp sao cho linh động, phù hợp nhất.
Lễ gia tiên là nghi lễ quan trọng đối với bất cứ đám cưới nào ở Việt Nam nhưng vì vài một số lý do mà đám cưới không làm lễ gia tiên, trong đó có thể kể đến việc thống nhất các nghi lễ giữa hai bên gia đình. Có thể kể đến như đám cưới được tổ chức theo tập tục phương tây hoặc theo các quy định của tôn giáo hai bên.
Tuy nhiên lý do thông thường mà đám cưới không làm lễ gia tiên là do khi xem tuổi, tuổi của cô dâu và chú rể không hợp nhau. Bởi quan niệm cho rằng khi cô dâu chú rể không hợp tuổi hoặc xung khắc về tuổi thì một số trong cưới hỏi không nên tiến hành. Trong đó có thể kể đến như không làm lễ gia tiên, không lên đèn, không có mâm trầu cau và không làm lễ rước dâu.
Tuy nhiên việc không tổ chức lễ gia tiên như những đám cưới bình thường là một điều thiệt thòi cho cô dâu, như là không được tổ tiên công nhận là mình đã đi lấy chồng hay không được chào đón ở nhà trai.
Thực tế chưa có bằng chứng nào chứng minh việc không làm lễ gia tiên có thể hóa giải được những điều xấu khi cô dâu chú rể không hợp tuổi. Do đó, hai gia đình hãy bàn bạc và thỏa thuận để chọn ngày tốt cử hành hôn lễ và quyết định có tổ chức lễ gia tiên hay không.
Trên đây là tất cả thông tin liên quan đến lễ gia tiên, trình tự tổ chức lễ gia tiên và những vấn đề liên quan khác.
Để đón đọc những thông tin thú vị và quan trọng liên quan đến tiệc cưới, hội nghị và hội thảo, hãy ghé thăm Forevermark thường xuyên nhé.
TRUNG TÂM HỘI NGHỊ TIỆC CƯỚI FOREVERMARK
Địa chỉ: 614 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội (đối diện công viên nước Hồ Tây)
Hotline: 098 993 9698
Fanpage: facebook.com/forevermark.vn
Instagram: @forevermark_wedding
Tiktok: @forevermark.official